Tìm đến bài viết này chắc hẳn bạn đang gặp khó khăn trong việc phân biệt các dòng xe ô tô và cách nhận biết các loại xe ô tô. Không chỉ riêng bạn mà hầu hết người mua ô tô lần đầu đều sẽ bỡ ngỡ với tên gọi các dòng xe như SUV, Sedan, MPV hay Crossover, Pick-up,... Chưa kể có một số xe nằm lưng chừng giữa hai kiểu, nhóm xe, hoặc thậm chí là không thể xếp vào một dòng hay phân khúc cụ thể nào.
Đầu tiên hãy nhớ một điều cơ bản là ứng với mỗi tên gọi đều được dựa theo các đặc trưng về cơ thân xe, khung xe, mục đích sử dụng hay dung tích xi-lanh,.. Bên cạnh các dòng xe nêu trên người ta còn còn phân loại ô tô thành các phân khúc như A, B, C, D,...
Hãy học cách phân biệt vì kiến thức xe cơ bản này do Blog 2oto tổng hợp từ nhiều nguồn đáng tin cậy nhất, sẽ giúp bạn hiểu để chọn mua được xe ưng ý nhất hoặc có thể đơn giản là giao tiếp với những người khác về lĩnh vực xe hơi nhé.
I. Giới thiệu các loại xe ô tô đang lưu thông tại Việt Nam
Tùy theo cách phân loại mà hiểu ta đang nói tới loại xe nào, ví dụ khi đề cập đến các loại xe ô tô bạn sẽ nghĩ ngay về dòng xe (sedan, SUV,..), công dụng (xe tải, xe con), hạng xe (phân khúc A, B, C, D,..) hay loại hộp số (số tự động, số sàn).
Việc phân biệt các loại xe cơ bản có thể sẽ rất dễ với nhiều người như xe con, xe khách, xe tải, xe container, xe rác, xe cẩu,.. Tuy nhiên đối xe dành để chở người (xe ô tô) cũng có bao nhiêu là loại, với hình dáng, kích thước, kết cấu và công dụng khác nhau. Rất khó phải không, dưới đây là cách phân loại đơn giản nhất mà ai cũng có thể hiểu được.
Xe ô tô được phân loại như thế nào?
Phân loại theo công năng
- Xe con (xe du lịch): xe 5 chỗ, xe 7 chỗ, xe 9 chỗ, xe 16 chỗ.
- Xe chuyên dùng: xe chở rác, xe cẩu, xe trộn bê tông,..
- Xe khách: loại 25 chỗ, 50 chỗ, xe giường nằm…
- Xe tải (chở hàng): xe tải nhỏ, xe tải lớn
- Xe bán tải: loại chở 2-4 chỗ, cùng hàng hóa
Phân loại theo nhiên liệu sử dụng
- Xe sử dụng xăng kết hợp với điện (Hybrid)
- Xe sử dụng động cơ xăng
- Xe sử dụng động cơ điện
- Xe sử dụng động cơ diesel
Phân loại theo kích thước
- Xe lớn (Large)
- Xe trung (Midsize)
- Xe nhỏ gọn (Compact)
- Xe nhỏ (Mini)
Phân loại theo số chỗ ngồi
- Xe 2 chỗ ngồi
- Xe 4 - 5 chỗ ngồi
- Xe 7 chỗ ngồi
- Xe 12; 15 chỗ ngồi
Phân loại theo kết cấu thân xe
- Hatchback
- Dòng xe sang - Limousine
- Xe thể thao đa dụng - SUV
- Dòng xe bán tải - Pickup
- Xe lai đa dụng - Crossover
- Dòng xe mui trần - Convertible
- Dòng xe đa dụng - MPV
- Dòng xe thể thao - Coupe
Phân hạng các phân khúc xe ô tô
Ở thị trường Nhật Bản, phân hạng ô tô dựa vào 3 yếu tố chính là pháp luật, tạp chí chuyên ngành và các nhà chế tạo ô tô; ở Mỹ thì phân theo kích thước khung xe và động cơ.
Trong khi đó ở thị trường Việt Nam thì giá cả lại là yếu tố phần nhiều quyết định vào phân hạng phân khúc của mẫu xe đó. Dưới đây là 10 phân khúc hạng xe và cũng là đầy đủ nhất tại Việt Nam:
1. Phân khúc hạng A - Xe cỡ nhỏ (City Car)
- Phân khúc A bao gồm các dòng xe mini, xe gia đình cỡ nhỏ. Trong đó, xe mini thường dùng động cơ dung tích dưới 1L và có 2 chỗ ngồi.
- Xe cỡ nhỏ hay còn gọi là xe nội thị, tốc độ nhanh hơn xe mini và công năng sử dụng thuận tiện hơn. Xe thường trang bị động cơ từ 1 đến 1,25 lít, có chiều dài cơ sở khoảng 2.400 mm.
- Đây là phân khúc thường được giới nữ lựa chọn nhiều nhất hay những người mua xe lần đầu vì khá đa dụng trên phố, kích thước nhỏ gọn và đặc biệt giá phù hợp.
- Đại diện phân khúc A: Kia Morning, Hyundai Grand i10, Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage, Honda Brio, Toyota Wigo, VinFast Fadil.
- Mức giá: 300-500 triệu đồng
2. Phân khúc hạng B - Xe bình dân cỡ nhỏ (Subcompact Car)
- Xe thuộc phân khúc này có 4 hoặc 5 cửa và thiết kế với 4 ghế và đăng ký chở 5 người. Phân khúc B duy trì tốt lợi thế đi trên phố nhưng cải tiến đáng kể tốc độ trên xa lộ. Động cơ từ 1.4 đến 1.6 nên đạt vận tốc cao hơn.
- Phân khúc này được chia làm 2 phân khúc nhỏ:
- Sedan hạng B với những cái tên tiêu biểu: Toyota Vios, Honda City, Mazda 2 sedan, Ford Fiesta sedan, Nissan Sunny, Mitsubishi Attrage, Hyundai Accent.
- Hatchback hạng B: Toyota Yaris, Suzuki Swift, Ford Fiesta hatchback, Mazda 2 hatchback, Mitsubishi Mirage.
- Mức giá: 500-650 triệu đồng
3. Phân khúc hạng C - Xe bình dân cỡ vừa (Compact Car)
- Là xe ô tô hạng trung được quan tâm nhất hiện nay ở thị trường xe ô tô Việt Nam. Ưu điểm của xe hạng C là phù hợp với nhiều lứa tuổi, kiểu dáng sang trọng và phù hợp với đường thành thị, đặc biệt có thùng xe sau khá rộng nên cũng thuận tiện cho những chuyến đi xa.
- Không gian nội thất xe rộng rãi, với chiều dài khoảng 4.500 mm với dòng xe sedan, compact và 4.250 mm dòng hatchback. Dung tích động cơ từ 1.4L đến 2.2L.
- Đại diện phân khúc C:
- Sedan: Toyota Altis, Honda Civic, Hyundai Elantra, Chevrolet Cruze, Mazda 3 sedan, Kia Cerato, Ford Focus.
- Hatchback: Kia Cerato hatchback (Kia Ceed), Mazda 3 hatchback.
- SUV: Honda CR-V, Kia Sportage, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Chevrolet Captiva, Mitsubishi Outlander Sport, Suzuki Grand Vitara.
4. Phân khúc hạng D - Xe bình dân cỡ lớn
- Dòng xe thuộc phân khúc D thường có đủ 5 chỗ cho người lớn, động cơ mạnh mẽ hơn và bản cao cấp dùng động cơ V6. Kích thước xe tùy theo khu vực, Bắc Mỹ - Trung Đông thường dài hơn 4.800mm, trong khi ở châu Âu dài hơn 4.700mm. Chiều dài cơ sở vào khoảng 2.800mm.
- Đại diện phân khúc D:
- Sedan: Toyota Camry, Honda Accord, Mazda 6, Kia Optima, Hyundai Sonata, Nissan Teana.
- SUV: Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Kia Sorento, Hyundai Santa Fe, Isuzu mu-X, Ford Everest, Nissan Terra, Chevrolet Trailblazer.
5. Phân khúc hạng E - Xe hạng sang
- Phân khúc E là các dòng xe hatchback hoặc sedan được sản xuất bởi các hãng ô tô nổi tiếng như BMW, Lexus, Mercedes, Volkswagen,.. Trên thực tế kích thước các loại xe này có thể cùng kích thước với phân khúc C nhưng người ta không so sánh với các xe thuộc phân khúc E với các xe thuộc phân khúc C, vì lý do đơn giản là các sản phẩm do Audi, Lexus hay BMW đều thực sự đẳng cấp thương hiệu hơn hẳn.
- Đối tượng khách hàng của các dòng xe này là những người thành đạt, doanh nhân, chủ doanh nghiệp hoặc các ngôi sao trong làng giải trí, và khách hàng thuộc giới thượng lưu,..
- Đại diện phân khúc E: Audi A4, Mercedes C-class, BMW 3-Series.
6. Phân khúc hạng F - Xe hạng sang cỡ lớn
- Được sản xuất bởi các hãng như phân khúc E nhưng xe thuộc phân khúc F có kích thước lớn hơn và trang bị động cơ cũng như các tiện ích đầy đủ hơn rất nhiều. Hầu hết các công nghệ mới nhất về kỹ thuật ô tô đều được trang bị trên các loại xe này.
- Động cơ xe thuộc phân khúc F có dung tích lớn có thể là I6, V6, V8 hoặc thậm chí V12 hoặc W12, trang bị turbo tăng áp cùng các công nghệ an toàn tối ưu chủ động và thủ động.
Phân khúc này chia làm 3 phân khúc nhỏ:
- Hạng sang cỡ trung: Rộng rãi, mạnh mẽ, thiết kế và trang bị sang trọng.
- Đại diện: Mercedes-Benz E-Class, BMW 5-Series, Audi A6.
- Hạng sang cao cấp: Thường được trang bị động cơ 8 hoặc 12 xi lanh và quy tụ những tính năng công nghệ, tiện nghi tốt nhất của hãng xe.
- Đại diện: Mercedes-Benz S-Class, Audi A8, BMW 7-Series, Lexus LS.
- Xe siêu sang: Số lượng sản xuất ít, mức giá rất đắt và cá nhân hóa cho từng khách hàng, các công đoạn thường làm bằng tay và sử dụng những vật liệu quý hiếm.
- Đại diện: Maybach, Rolls-Royce, Bentley.
7. Phân khúc hạng M - Xe MPV hay Minivan
- Xe hạng M được biết là những chiếc xe đa dụng có thể làm xe gia đình hoặc xe thương mại tùy ý vào mục đích của người sử dụng. Những chiếc xe hạng này đạt doanh số cao nhất thế giới, lần đầu tiên được sản xuất bởi thương hiệu Ford.
- Phân khúc xe gia đình đa dụng với sức chứa lên đến 10 người phù hợp cho các chuyến dã ngoại, di chuyển xa với khoang hành lý rộng, tầm quan sát tốt.
- Đại diện phân khúc M:
- (7 chỗ) : Toyota Innova, Kia Grand Carnival, Mitsubishi Zinger, Chevrolet Orlando;
- (5+2 chỗ) : Suzuki Ertiga, Kia Rondo, Mitsubishi Xpander, Toyota Avanza.
- Đại diện Minivan: Toyota Sienna, Honda Odyssey, Kia Grand Sedona, Mercedes-Benz V-Class.
8. Phân khúc hạng S - Xe Coupe thể thao
- Là các dòng xe thể thao với kiểu dáng Coupe mui trần, 2 chỗ (Roadster) hoặc 4 chỗ, 2 cửa và xe siêu sang.
- Đại diện tiêu biểu của dòng xe này:
- Trên 10 tỷ đông: Ferrari 488, Lamborghini Huracan, Bugatti Chiron
- Dưới 10 tỷ đồng: Ford Mustang, Chevrolet Camaro hay BMW i8
9. Phân khúc J – Các dòng xe thể thao đa dụng – SUV, CUV
- Kiểu dáng thiết kế hình khối thể hiện sự cứng cáp, có khoảng sáng gầm xe lớn, tính năng thông qua và việt dã cao đó là những đặc điểm của dòng xe thể thao đa dụng.
- Đại diện CUV - Crossover: Ford Ecosport, Chevrolet Trax, Honda CR-V, Mazda CX-5, Nissan X-Trail.
- SUV có thể chia phân khúc này ra làm 2 nhóm:
- SUV phổ thông: Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Hyundai Santa Fe, Nissan Terra, Isuzu mu-X, Chevrolet Trailblazer, Kia Sorento.
- SUV hạng sang: Lexus LX570, Infiniti QX80.
10. Phân khúc bán tải
- Là các dòng xe bán tải có thùng hàng phía sau hở (khách hàng có thể lắp thêm nắp thùng cao hoặc nắp thùng thấp), có thể vừa chờ người vừa chở được hàng hóa (tải trọng cho phép từ 750-950 kg). Xe bán tải có nguồn gốc từ Mỹ.
- Đại diện: Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Isuzu D-Max, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado.
II. Tìm hiểu về các dòng xe ô tô thường gặp
Để phân biệt các dòng xe ô tô trên thị trường hiện nay không còn cách nào khác là bắt buộc bạn phải tìm hiểu và thuộc các dòng xe được nêu dưới đây. Khá đơn giản vì chúng được phân chia dựa trên thiết kế nội - ngoại thất và kết cấu khung gầm, nên khi bạn tìm hiểu về các dòng xe ô tô trước sẽ biết được đó là dòng xe nào khi bắt gặp chiếc đó chạy ngoài đường.
Mặc dù hiện nay có nhiều mẫu xe liên tục cải tiến với dáng lai tạp, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều dòng xe thiết kế truyền thống mà bạn có thể dễ dàng phân biệt. Cùng điểm qua các dòng xe ô tô dưới đây.
Dòng xe Sedan
Sedan là một loại xe chở khách mà thân xe đại thể chia làm ba khoang: khoang động cơ, khoang hành khách và khoang hành lý. Ở Anh, người ta gọi loại xe này là xe saloon, Đức gọi là xe Limousine. Khoang hành khách thường gồm hai dãy ghế. Khoang động cơ thường ở phía trước. Còn khoang hành lý thường ở phía sau.
Đây là dòng xe phổ biến nhất trên thế giới ngày nay, loại xe này thường có gầm thấp, 4 cửa, 4 hoặc 5 chỗ ngồi. Dòng xe phục vụ cho mục đích đi lại và vì không gian hạn nên không phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa. Ưu điểm là xe nhỏ gọn, có khả năng cách âm tốt hơn nhờ có cabin riêng biệt. Được đánh giá là dòng xe ô tô tạo cảm giác thoải mái hơn so với các loại xe khác.
Đại diện các dòng xe sedan phổ biến trên thị trường hiện nay gồm: Honda City, Suzuki Ciaz, Honda Accord, Nissan Teana, Mercedes-Benz C-class sedan, Toyota Vios, Nissan Sunny, Toyota Camry, Mazda 6,...
Dòng xe SUV
SUV viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle hay còn gọi là xe thể thao đa dụng, là một loại xe gia đình với khung xe là khung xe tải nhẹ. Các xe kiểu này có khoang hành lý liền với khoang hành khách, gầm cao, rất thích hợp khi đi lại với các kiểu đường xấu, đường gồ ghề.
Hầu hết dòng xe SUV sử dụng truyền động 2 cầu 4x4 để tăng sức mạnh cho động cơ. Dòng xe SUV thường có từ 5 đến 7 chỗ ngồi, phù hợp cho các đối tượng gia đình, khách hàng trẻ thích kiểu xe thể thao mạnh mẽ.
Loại xe này rất được ưa chuộng bắt đầu từ Mỹ sau đó lan truyền qua châu Âu và các nước khác bao gồm cả Việt Nam. Người tiêu dùng ưa chuộng xe SUV bởi những đặc điểm sau:
- Xe cao, đi được nhiều địa hình phúc tạp
- Không gian bên trong xe rộng rãi nên chở được nhiều người và đồ đặc
- Dán xe chắc chắn giống xe 2 cầu (4x4)
- Khối lượng xe lớn tạo cảm giác an toàn
Nhiều xe thể thao đa dụng là xe cầu. Song, lưu ý là không phải tất cả xe 2 cầu đều là xe thể thao đa dụng nhé.
Một số mẫu xe SUV phổ biến ở Việt Nam có thể thấy là Toyota Land Cruiser, Ford Escape, Ford Everest, các hãng xe sang cũng có nhiều mẫu dòng xe SUV cao cấp của mình như Audi Q7, BMW X5, Acura MDX,..
Dòng xe Coupe
Coupe có nghĩa là đôi, dân chuyên ô tô còn gọi là xe thể thao 2 hoặc 4 cửa. Dòng xe này chỉ có 2 cửa nhưng số lượng chỗ ngồi trên xe không giới hạn chỉ 2 chỗ, mà vẫn có thể là 4 hoặc 5. Nhắc đến xe Coupe người ta nghĩ ngay đến những chiếc xe thể thao, đây là một mẫu xe mui kín rất phổ biến ngày nay, với động cơ vận hành hiệu suất cao.
Không ít người nhầm lẫn giữa Coupe và Sedan bởi có nhiều điểm tương đồng và nhìn tổng thể không khác gì chiếc sedan nên có nhiều tranh cãi về định nghĩa này. Ngày nay nhiều hãng sản xuất xe ô tô đã giới thiệu rất nhiều mẫu xe được gọi là coupe 4 cửa, gần như không có sự khác biệt với dòng xe sedan. Cách để phân biệt sedan và dòng xe này là thể tích buồng lái của chúng, không gian của xe coupe giới hạn dưới 30cm3.
Mẫu xe coupe 4 cửa nổi bật đáng kể đến như Mercedes CLS, Aston Martin Rapide, Audi A7...
Dòng xe HatchBack
Trong tiếng Anh, "hatch" nghĩa là cửa sập, còn "back" nghĩa là phía sau. Dòng xe Hatchback là một kiểu thân xe ô tô gồm 2 khoang: khoang động cơ phía trước và khoang hành khách và hành lý chung phía sau. Loại xe này có thể có 3 hoặc 5 cửa trong đó có 1 cửa phía sau để tiện cho việc cất vào hay lấy hành lý ra.
Dòng xe này thích hợp cho cá nhân hay gia đình có thêm nhu cầu chở nhiều hành lý, gầm thấp và kích cỡ nhỏ gọn, giúp di chuyển thuận lợi trong và ngoài thành phố. Các mẫu Hatchback phổ biến trong nước hiện nay có thể kể đến là Hyundai Grand i10, Ford Fiesta, Kia Morning, Chevrolet Spark, Toyota Yaris, Mercedes A-class,.. đa số đều có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của phái nữ, đồng thời giúp xe linh hoạt hơn trong điều kiện giao thông giờ cao điểm.
Tại thị trường châu Âu, Hatchback thường có thêm dòng biến thể từ một chiếc sedan là Wagon hay Station-Wagon. Cụ thể dòng xe này có phần đuôi giống sedan nhưng kéo dài ra để chở hàng hóa như Chevrolet Vega Kammback, Maruti Suzuki.
Dòng xe MPV
MPV là tên viết tắt từ cụm từ - Multi Purpose Vehicle, thường được biết đến là dòng xe đa dụng, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng. Xe MPV thiết kế khá rộng rãi với nhiều chức năng nổi bật, đặc biệt thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau chủ xe/tài xế đã có thể chuyển đổi giữa việc chở người và chở hàng một cách nhanh chóng.
Kiểu dáng của phần lớn các mẫu xe MPT không thực kỳ cầu kỳ, mạnh mẽ, thể thao với các đường nét khí động học như các mẫu SUV, Sedan hay Crossover,.. mà thay vào đó là thiết kế đơn giản, mềm mại và chú trọng vào không gian nội thất nhiều hơn.
Đúng như tên gọi, ưu điểm lớn nhất của dòng xe MPV là tính đa dụng, không gian nội thất rộng rãi có thể chở được nhiều người và hàng hoá. Và còn nhiều ưu điểm khác như đủ không gian cho 7-8 người, khả năng vận chuyển, chuyên chở lớn; các hàng ghế linh hoạt có thể gập lại để tăng không gian của khoang hành lý.
Điểm dễ nhận thấy nhất để phân biệt với những chiếc SUV là xe MPV có gầm thấp hơn, thân xe thuôn dài hơn; dòng xe MPV thường sử dụng động cơ tự động để đơn giản hóa việc lái xe.
Những mẫu MPV phổ biến trên đường là Toyota Previa, Toyota Innova, Mazda Premacy, Mitsubishi Grandis,...
Dòng xe Crossover (CUV)
Một chiếc SUV crossover - còn được gọi là một chiếc xe đa dụng chéo - là một loại xe thể thao tiện ích xây dựng unibody. Crossover thường dựa trên một nền tảng được chia sẻ với một chiếc xe chở khách.
Crossover với tên gọi đầy đủ là Crossover Utility Vehicle - CUV, thực chất đây là một chiếc xe lai giữa SUV đúng nghĩa và xe đô thị (thường là các mẫu Sedan). Trên thực tế hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cùng một hãng ô tô có thể tìm thấy cả những mẫu Crossover lẫn SUV, do đó các hãng thường điều chỉnh khiến 2 dòng xe này gần nhau. Đây là một cách linh động cho những người sống thành thị nhưng thích phong cách SUV do đó cách gọi Crossover là SUV vẫn được chấp nhận.
Người dùng có thế dễ dàng bắt gặp những mẫu Crossover và SUV như RX350 là Crossover, trong khi LX570 là SUV. Hay như mẫu xe Captiva Chevrolet lại cũng là CUV vẻ ngoài chúng rất khó mà phân biệt.
Do nhu cầu sử dụng của người dùng rất đa dạng, do đó các thiết kế của nhà sản xuất thường được điều chỉnh khiến hai dòng xe này “tiệm cận” nhau hơn. Các dòng xe crossover phổ biến tại Việt Nam gồm có Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander,…
Dòng xe Pickup - Xe bán tải
Pick-up được biết đến như một chiếc xe hơi hạng nhẹ có cabin kín và một khu vực phía sau để hàng hóa mở hoặc đóng với các góc cạnh và đuôi xe thấp. Thực chất đây là dòng xe kết hợp giữa xe tải cỡ nhỏ và xe gia đình, kiểu dáng như một chiếc xe đa dụng (MPV), khoang ghế ngồi có 5 chỗ (tính cả ghế lái); có thêm một thùng chở hàng phía sau, tách biệt hẳn với khoang hành khách, có thể chở được hàng hóa với kích thước quá khổ mà những chiếc xe đa dụng khác không thể đáp ứng được.
Dòng xe này có khung gầm tương tự như xe tải, thiết kế phù hợp với nhiều địa hình, kết cấu khung sườn của bán tải tương đồng với các mẫu SUV cỡ lớn cùng khả năng Off-road tốt nhưng sức kéo và chịu tải vượt trội hơn xe đa dụng. Vận chuyển hàng hóa trọng lượng vừa phải từ 500 đến 700 kg và đặc biệt có thể gắn thêm mui phụ. Những chiếc pickup rất phổ biến như: Toyota Hilux, Isuzu D-Max, Nissan Navara, Ford Ranger, Mitsubishi Triton…
Dòng xe Convertible / Cabriolet – xe mui trần
Convertible là tên gọi chỉ chung cho những dòng xe coupe có khả năng mở mui thành “mui trần” và mẫu xe này có tên gọi là “siêu xe” ở Việt Nam. Loại xe này vẫn có thể đóng kín bằng mui mềm từ vải hoặc mui cứng có thể xếp gọn khi mở nắp cốp phía sau. Tại châu Âu hay sử dụng thuật ngữ Cabriolet, thực tế định nghĩa cũng tương tự convertible. Đây là phiên bản coupe được thiết kế dành riêng cho những khách hàng yêu thích sự phóng khoáng, lịch lãm bên cạnh đam mê tốc độ.
Xe mui trần có 2 loại: xe mui mềm và mui cứng.
- Xe mui mềm: Đặc trưng bên trong không gian xe khá rộng, trong lượng nhẹ, tốc độ mở đóng nhanh hơn cùng giá thành “mềm” hơn nhưng độ an toàn cũng như chống trộm không phải là điểm vượt trội. Xe mui mềm thường dành cho các dòng xe thể thao du lịch hoặc lai sedan.
- Xe mui cứng: Tạo cảm giác mạnh mẽ, cứng cáp trong vận hành, độ an toàn, cách âm và chống trộm tốt nhưng mắc phải khuyết điểm nhỏ là nặng nề và chiếm chỗ khi mở mui, chi phí bảo dưỡng cao. Xe mui cứng thường được thiết kế cho các dòng siêu xe hiện đại.
Dòng xe Limousine
Nhắc đến Limousine chúng ta thường nghĩ ngay đến một chiếc xe dài với nhiều cửa sổ. Thực chất, không có một tiêu chuẩn thực sự nào để coi một chiếc xe là Limousine cả. Limousine là một xe sang trọng cỡ lớn với một phân vùng giữa khoang tài xế và khoang của hành khách. Một chiếc xe sang trọng với trục chính rất dài được điều khiển bởi một người lái xe chuyên nghiệp được gọi là một Limousine kéo dài. Và tất nhiên, xe limousine có nội thất sang trọng, không gian đủ rộng và siêu đẹp.
Được biết Limousine là tên gọi xuất phát từ một thị trấn nhỏ của nước Pháp mang tên Limousine. Ban đầu đây không phải là tên gọi một loại xe, mà là một thứ quần áo. Dòng họ Shepherd tại thị trấn này tạo ra một loại áo mưa có mũ và đặt tên chúng là Limousine. Về sau, những người làm xe ngựa tại Paris bắt đầu gọi các xe ngựa có không gian kín với cái tên Limousine, với sự tiện dụng của nó hầu hết các hành khách giàu có đều sử dụng loại xe ngựa này.
III. Kết Luận
Hy vọng với những kiến thức trên sẽ giúp bạn đọc phân biệt các dòng xe ô tô phổ biến tại Việt Nam và nhận biết các phân khúc xe ô tô một cách đơn giản nhất. Điều này rất hữu ích cho những ai đang có nhu cầu mua xe ô tô nhưng chưa có kiến thức cơ bản về xe, việc lựa chọn đúng loại xe, đúng dòng xe sẽ giúp bạn thoải mái cho việc sử dụng và không phải khó khăn cho những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn ví dụ như xe quá chật, xe quá yếu hoặc chi phí nuôi dưỡng xe quá cao,...
Xem thêm: